Trong cơ thể con người, nước chiếm khoảng 60-70%. Như vậy nước chiếm tỉ lệ rất lớn toàn bộ cơ thể. Khi thiếu nước không chỉ khiến làn da khô, dễ mắc bệnh ngoài da, lão hóa mà còn có thể dẫn đến nhiều bệnh.

Vai trò của bổ sung nước đủ đối với cơ thể

Việc bổ sung nước rất quan trọng đối với cơ thể. Bởi lượng nước chiếm tới 60-70%, trong đó cơ thể trẻ sơ sinh chiếm khoảng 70% nước; người trưởng thành khoảng 60%-65%. Nước là dung môi giúp hòa tan và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong thức ăn mà cơ thể đã hấp thu. Vì thế, nước tham gia vào quá trình chuyển hoá và các phản ứng trao đổi chất.

Nước giúp cơ thể vận chuyển các chất dinh dưỡng như các khoáng chất, vitamin và glucose… cần thiết tới các tế bào.

Nước giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, cho phép cơ thể giải phóng nhiệt. Khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể, cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi. Sự bay hơi của nước từ bề mặt da giúp làm mát cơ thể.

Nước cũng là một chất bôi trơn hiệu quả quanh khớp, hoạt động như một bộ phận giảm xóc cho mắt, não, tuỷ sống và ngay cả đối với thai nhi trong nước ối…

Bổ sung nước đúng và đủ là rất quan trọng.

Ngoài ra, nước giúp cơ thể đào thải các chất cặn bã, loại bỏ các độc tố mà các cơ quan thải ra thông qua đường nước tiểu, phân và mồ hôi. Chính vì thế, nước là chất quan trọng cho sự trao đổi chất không ngừng diễn ra trong cơ thể.

Riêng đối với làn da, nước tác động lên làn da giúp ngăn ngừa nếp nhăn, giúp da săn chắc, chống lão hóa da, duy trì tính đàn hồi của da, thải độc tố, làm sạch da, tránh tăng sinh melanin giúp giảm thâm…

Khi thiếu nước, cơ thể sẽ bị bệnh gì?

Do nước có vai trò quan trọng như đã nêu ở trên, nên khi cơ thể chỉ cần mất đi 2% lượng nước thì khả năng làm việc giảm 20%. Nếu mất đi 10% lượng nước thì cơ thể sẽ tự đầu độc; nếu mất đi 21% lượng nước thì có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Cấu tạo của bộ não trong đó nước chiếm 85%, nên khi thiếu nước sẽ rơi vào tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ.

Thận là cơ quan lọc chất thải thông qua nước, nên phụ thuộc vào nước hoàn toàn. Nếu bổ sung nước không đủ sẽ làm suy giảm chức năng thận. Thận không có đủ nước để làm nhiệm vụ thải trừ những chất cặn bã… dẫn đến các chất độc hại sẽ bị tích lũy trong cơ thể, thận. Tình trạng này lâu dài sẽ dẫn đến lắng đọng sạn thận, sỏi thận.

Khi thời tiết nóng bức, mồ hôi xuất hiện để làm nhiệm vụ điều hòa giúp cơ thể mát. Nếu thiếu nước thì không đủ sức tản nhiệt cho cơ thể, sẽ dẫn đến trạng thái bị sốc nhiệt, choáng váng, ngất xỉu.

Trong máu có khoảng 3 lít nước, tức là nước chiếm khoảng 90% máu. Khi cơ thể thiếu nước sẽ khiến máu trở nên đậm đặc hơn. Điều này khiến hệ tuần hoàn làm việc không được trơn tru và tim phải làm việc mạnh hơn mới giúp đẩy máu đến các cơ quan. Do tim phải dùng nhiều lực hơn để đẩy máu đi qua các động mạch nên áp suất máu sẽ tăng cao, dẫn đến tăng huyết áp. Đối với những người có vấn đề về tim mạch, tăng huyết áp cần phải bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể.

Hệ tiêu hóa, luôn cần có nước để giúp nhào trộn, nghiền nát và đẩy thức ăn đi tốt hơn. Nếu thiếu nước, quá trình tiêu hóa sẽ kém, thức ăn sẽ lưu lại trong đường ruột lâu hơn. Thiếu nước ở ruột già sẽ gây ra tình trạng táo bón. Khi bị táo bón, chất thải lưu lại trong ruột già sẽ ngấ ngược trở lại vào máu và gây độc cho cơ thể.

Khi thiếu nước, làn da sẽ trở nên khô, dễ nứt nẻ bong tróc, mất độ căng bóng, sần sùi.  Da trở nên xỉn màu, ách tắc lớp tế bào chết bên trong do không đủ nước để đào thải. Da thiếu nước cũng trở nên nhăn nhăn nheo, xuất hiện quầng thâm, các rãnh như khóe miệng, nếp nhăn quanh mắt trở nên sâu hơn.

Da thiếu nước cũng trở nên dễ nhạy cảm hơn, vì thế các bệnh ngoài da như chàm, vảy nến, dị ứng… lại có cơ hội bùng phát.

Uống nước thế nào cho đúng, đủ?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cần cung cấp khoảng 40ml nước cho mỗi kg cơ thể. Như vậy với người có cân nặng 50kg, trong điều kiện bình thường sẽ cần khoảng 2 lít nước. Lượng nước này bao gồm tất cả các loại nước: Nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, trà… Tuy nhiên, đối với người có cường độ vận động nặng (người lao động chân tay, làm việc ngoài trời, lao động trong điều kiện nóng bức, đổ mồ hôi nhiểu, vận động viên…) có thể cần bổ sung nước nhiều hơn. Ngoài ra, lượng nước cơ thể cần còn phụ thuộc giới tính, độ tuổi…

Cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không khát và chia làm nhiều lần trong mỗi ngày. Tổng lượng nước cơ thể cần uống là khoảng 2-2.5 lít mỗi ngày, nhưng nên chia thành 8-10 cốc nước. Việc chia đều lượng nước bổ sung trong ngày sẽ đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể.

Nên uống nước trong tư thế ngồi, uống từng ngụm nhỏ để nước từ từ được thẩm thấu đều đến các cơ quan, giúp cơ quan hấp thu các dưỡng chất hiệu quả.

Không nên uống nước quá nhu cầu vì sẽ làm loãng máu, tăng tổng lượng máu trong cơ thể, gây gánh nặng cho tim mạch và thận sẽ phải gia tăng thời gian hoạt động. Không uống nước nhiều trước khi đi ngủ, đặc biệt là người cao tuổi.

Lưu ý bổ sung nước trong mùa hè

Mùa hè khiến chúng ta luôn cảm thấy khát nước, háo nước và thường có nhu cầu uống nước lạnh, với cốc nước lớn để đã cơn khát. Nhưng dù cho bạn có háo, khát đến mấy cũng nên uống nước đúng cách có tác dụng. 

Dưới đây là những điều nên tránh khi uống nước trong mùa hè:

– Uống nhiều nước đá: Khi trời nóng bức sẽ khiến bạn muốn uống nước đá cho đã cơn khát và làm dịu cơ thể. Tuy nhiên, uống nhiều đá lạnh sẽ là nguy cơ tiềm ẩn. Đá lạnh không phải là nguyên nhân gây viêm họng, nhưng nếu đá lạnh không bảo đảm vô khuẩn rất dễ khiến mắc các bệnh viêm họng. Đó là lý do mà rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em sau khi uống nước lã lại bị viêm mũi họng.

– Uống nhiều nước sau khi vận động: Sau khi vận động, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên bạn cảm thấy rất khát nước và có nhu cầu uống lượng nước lớn. Tuy nhiên, uống nước quá nhiều ngay sau khi vận động sẽ gây gánh nặng cho tim. Ngoài việc uống lượng nước lớn cùng lúc đã không tốt, thì ngay sau khi vận động tim vẫn đang phải hoạt động mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu uống nhiều nước cùng lúc sẽ gây loãng máu. Cả hai điều kiện cùng gây áp lực cho tim sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tuần hoàn và tim.

– Uống nước quá nhiều: Mặc dù mùa hè cần một lượng nước nhiều hơn so với mùa đông. Uống quá nhiều nước cũng gây quá tải cho da trong việc thải các sản phẩm chuyển hóa qua mồ hôi. Mỗi ngày, dù nóng đến đâu cũng chỉ nên uống lượng nước vừa đủ, như cách tính đã hướng dẫn ở trên.

Mời đọc giả xem thêm video:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.